[Giải đáp] Bệnh đầu đen ở gà là gì? & thuốc đặc trị bệnh đầu đen
Trong các mô hình chăn nuôi, không ít bà con đã từng nghe hoặc từng phát hiện bệnh đầu đen ở gà trên các đàn gà của mình. Nhưng một phần chưa nắm vững các kiến thức chữa trị hoặc chuẩn đoán sai bệnh do các triệu chứng của bệnh đầu đen gà khá giống với nhiều loại bệnh thông thường. Chính vì thế mà gây ra tình trạng chết hàng loạt khiến nhiều bà con phải trắng tay vì dịch. Để hạn chế đến mức tối đa tỷ lệ tử vong trên gà do bệnh đầu đen gây ra thì mời bà con cùng tìm hiểu tất tần tật các thông tin liên quan đến căn bệnh này qua nội dung dưới đây.
1. Bệnh đầu đen ở gà là bệnh gì?
So với nhiều căn bệnh thường thấy ở gà thì bệnh đầu đen được xếp hàng đặc biệt nguy hiểm, gây chết hàng loạt và thiệt hại lớn trong chăn nuôi. Căn bệnh này xuất phát từ một sinh vật đơn bào có tên khoa học là Histomonas Meleagridis. Gà khi mắc bệnh sẽ có các biểu hiện chung như ủ rũ, chán ăn, tiêu chảy phân vàng xanh, vùng da đầu nhợt nhạt hoặc tái xanh..Nếu khi được phát hiện và điều trị kịp thời, tỷ lệ gà có thể chết tới 85 – 90%.
Ngoài tên bệnh đầu đen, thì bệnh do loài ký sinh trùng này gây ra còn có tên gọi khác là “Bệnh kén ruột” hoặc “bệnh viêm gan ruột”.
Độ tuổi dễ mắc bệnh đầu đen trên gà
Trong khoảng thời gian từ 2 -3 tuần tuổi hoặc 3 – 4 tháng tuổi là thời điểm gà dễ bệnh nhất, kể cả chúng lớn hơn vẫn có thể mang bệnh. Bệnh đầu đen ở gà phát triển mạnh nhất vào những tháng nóng ẩm trong năm như cuối xuân hè, đầu thu và thậm chí là mùa đông.
2. Gà bị bệnh đầu đen qua những con đường nào?
Con đường lây lan chủ yếu của bệnh được xác định là thông qua đường miệng và lỗ huyệt của gà. Các loại thức ăn, nước uống hay chất độn chuồng, môi trường chăn nuôi thường bị nhiễm trứng giun kim chứa mầm bệnh. Gà sau khi bị nhiễm qua quá trình sinh sống lại thải ra ngoài, giun đất ăn trứng giun kim và bảo tồn trong đất lâu dài. Tiếp tục gà ăn giun và bị tái nhiễm. Cứ như vậy, vòng bệnh cứ lặp đi lặp lại cho dù đã điều trị khỏi cho gà.
3. Triệu chứng bệnh đầu đen ở gà
Thông thường thời gian ủ bệnh của gà thường kéo dài 10 – 20 ngày. Để phát hiện kịp thời bệnh đầu đen, bà con chăn nuôi cần nắm bắt được một số triệu chứng của bệnh như sau:
- Gà đứng cụm lại một chỗ, lông xù, ủ rũ
- Uống nhiều nước hơn mọi ngày, chán ăn hoặc bỏ ăn, cơ thể gầy còm ốm yếu
- Gà bị sốt rất cao 43 – 44 độ C
- Chúng trở nên lười vận động, khi đứng mắt nhắm nghiền, hay rúc đầu dưới cánh hoặc tìm chỗ ấm, có nắng để đứng.
- Mào gà bệnh nhợt nhạt hoặc tái xanh. Giai đoạn cuối của bệnh mào gà chuyên sang thâm tím, da đầu có màu xám xanh hoặc xanh đen
- Bị ỉa chảy, phân có màu vàng lưu huỳnh
Chúng thường chết rải rác và về ban đêm. Tuy không chết ồ ạt mà kéo dài nên bà con cần chú ý để cách ly, xử lý khu vực xác gà bệnh để tránh lây lan
4. Bệnh tích
Bệnh tích bệnh đầu đen ở gà tập trung chủ yếu ở bộ phận nội tạng gan và manh tràng (ruột thừa). Các tổn thương ở ruột thừa bắt đầu xuất hiện sau 7 ngày, còn ở gan sau 9 ngày kể từ khi gà bị nhiễm bệnh. Quan sát sẽ thấy các triệu chứng bên trong cơ quan nội tạng như:
- Ruột thừa bị sưng to, phần thành ruột dày lên gấp nhiều lần
- Xuất huyết hoặc hoại tử, có kén rắn chắc màu trắng
- Phần gan cũng bị sưng to gấp 2 -3 lần,
- Bề mặt gan có nhiều ổ xuất huyết và khuynh hướng hoại tử lõm hình hoa cúc.
5. Cách phòng & điều trị bệnh đầu đen ở gà
Bệnh đầu đen là căn bệnh nguy hiểm tuy nhiên không phải không có cách chữa trị. Bởi vậy việc trang bị kiến thức, phòng điều trị bệnh là rất quan trọng, giúp hạn chế tối đa rủi ro thiệt hại cho chăn nuôi. Dưới đây là cách thức để phòng chống và điều trị bệnh đầu đen trên gà mà bà con nên biết để đạt năng suất cao nhất.
Cách điều trị bệnh đầu đen
Hiện nay, trên thị trường có khá nhiều loại thuốc đặc trị bệnh đầu đen ở nhà. Tuy nhiên theo kinh nghiệm của nhiều hộ chăn nuôi lâu năm, để đạt hiệu quả trị bệnh đầu đen ở gà cao nhất. Thì bà con có thể tiêm hoặc cho gà uống các loại thuốc chứa Doxycyclin, Sulfamonomethoxine theo liều liều lượng chỉ định của nhà sản xuất. Đồng thời cho gà dùng thêm thuốc bổ gan thận liều lượng 1g/lít nước/ngày, kết hợp Unilyte Vit – C tỷ lệ pha 3g/lít/ngày nhằm bổ sung đề kháng, trợ lực cho gà.
Phòng chống bệnh đầu đen
Công tác phòng chống dịch bệnh ở bất kỳ giai đoạn nào cũng cần được ưu tiên hàng đầu. Thực hiện tốt phòng bệnh sẽ giúp gà phát triển khoẻ mạnh, đề kháng tốt hơn và ít khi bị nhiễm các loại bệnh thông thường. Bà con có thể tham khảo một số cách sau đề phòng bệnh đầu đen hiệu quả cho đàn gà của mình:
- Tẩy giun cho gà định kỳ, có thể sử dụng thuốc Fenbendazole, mebendazole để tẩy giun hiệu lực cao và an toàn.
- Xử lý chất thải, độn chuồng, cải thiện môi trường chăn nuôi để diệt trứng giun kim
- Phun khử trùng định kỳ cho chuồng nuôi, cuốc xới đất và rải vôi bột ở bãi chăn thả và môi trường xung quanh.
- Tăng cường chăm sóc, bổ sung đầy đủ các chất dinh dưỡng và đề kháng cho gà
- Ngày mưa nên nhốt gà trong chuồng, không thả ra ngoài để tránh gà ăn giun đất có chứa ký sinh trùng gây ra bệnh đầu đen.
Trên đây là những thông tin về bệnh đầu đen ở gà. Hy vọng những chia sẻ trên đây sẽ giúp bà con có thêm những kiến thức bổ ích và tích luỹ thêm kinh nghiệm trong chăn nuôi.
Xem thêm: 5 Dòng Gà Siêu Thịt Cho Năng Suất Cao Nhất Hiện Nay